Tranh chấp hợp đồng lao động là vấn đề phát sinh phổ biến trong mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Dựa trên Bộ luật Lao động 2019, các thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động tuân thủ nguyên tắc và trình tự nhất định. Bài viết dưới đây sẽ trình bày chi tiết về các loại tranh chấp lao động và quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
1. Có mấy loại tranh chấp lao động?
Căn cứ Điều 179, Bộ luật lao động 2019, có 2 loại tranh chấp lao động bao gồm:
a) Tranh chấp lao động cá nhân:
- Tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động.
- Tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức phái cử người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.
- Tranh chấp giữa người lao động thuê lại và bên sử dụng lao động thuê lại.
b) Tranh chấp lao động tập thể:
Xảy ra giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động tập thể dược phân thành 2 nhóm chính là tranh chấp về quyền hoặc về lợi ích.
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền gồm:
- Tranh chấp phát sinh do sự khác biệt trong việc hiểu và áp dụng các quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và các thỏa thuận hợp pháp khác.
- Tranh chấp do sự bất đồng trong việc hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật lao động.
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gồm:
- Tranh chấp lao động xảy ra trong quá trình thương lượng tập thể giữa các bên.
- Tranh chấp xảy ra khi một bên từ chối tham gia thương lượng với bên còn lại. Hoặc không thực hiện thương lượng trong thời gian quy định theo pháp luật.
Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động
2. Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động cá nhân
Căn cứ Điều 188 & 189, Bộ Luật lao động 2019, quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động có thể được tóm tắt như sau:
2.1 Hòa giải viên lao động hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động.
Bước 1: Các tranh chấp lao động cá nhân sẽ được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải bởi hòa giải viên lao động, ngoại trừ các trường hợp được kiện thẳng lên tòa (được quy định chi tiết tại Khoản 1, Điều 188).
Bước 2: Các bên tham gia phiên họp hòa giải có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho đại diện tham dự. Hòa giải viên có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ các bên thương lượng để đi đến thỏa thuận.
- Kết quả hòa giải có thể là:
- Hòa giải thành: Nếu các bên đạt được thỏa thuận, hòa giải viên sẽ lập biên bản hòa giải thành.
- Hòa giải không thành: Nếu không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên có thể đề xuất phương án hòa giải để các bên cân nhắc. Nếu các bên vẫn không chấp nhận, hòa giải viên sẽ lập biên bản hòa giải không thành.
- Trong trường hợp một bên vắng mặt sau 2 lần triệu tập mà không có lý do chính đáng, hòa giải viên cũng lập biên bản hòa giải không thành.
Bước 4: Sau khi phiên hòa giải kết thúc, biên bản kết quả (hòa giải thành hoặc không thành) sẽ được gửi cho các bên trong vòng 1 ngày làm việc.
Nếu một bên không thực hiện theo thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, bên còn lại có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp.
2.2 Lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mới sau khi hòa giải với Hòa giải viên không thành.
- Sau 5 ngày kể từ khi hòa giải không thành, các bên có quyền lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết tranh chấp:
a) Hội đồng trọng tài lao động:
Ban trọng tài lao động sẽ được thành lập trong vòng 7 ngày làm việc và phải ra quyết định giải quyết tranh chấp trong 30 ngày.
b) Tòa án:
Các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp nếu rơi vào các trường hợp được liệt kê theo luật.
5 nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động.
3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động dựa trên những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 180, Bộ Luật lao động 2019 như sau:
- Trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động, các bên cần tôn trọng quyền tự định đoạt của nhau thông qua thương lượng.
- Đề cao việc giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài, dựa trên sự tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan, cũng như lợi ích chung của xã hội, đồng thời đảm bảo không vi phạm pháp luật.
- Các bên thực hiện giải quyết theo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, nhanh chóng, kịp thời và tuân theo luật pháp.
- Có sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình các bên tiến hành giải quyết tranh chấp.
- Việc giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền, sau khi nhận được yêu cầu từ các bên tranh chấp hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, và phải được sự đồng ý của các bên tranh chấp.
Nhìn chung, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật là yếu tố bắt buộc và cần thiết để duy trì sự hài hòa trong mối quan hệ lao động. Thông qua các bước hòa giải, thương lượng và trọng tài, pháp luật đảm bảo rằng quyền lợi của các bên đều được bảo vệ. Bằng cách tuân thủ đúng quy định, cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ đạt được sự đồng thuận, góp phần xây dựng môi trường làm việc ổn định và công bằng. Tham khảo https://baohiemxahoidientu.edu.vn/ để biết nhiều thông tin bổ ích.