Hợp đồng lao động 6 tháng và những quy định quan trọng

Hợp đồng lao động 6 tháng là một dạng hợp đồng xác định thời hạn phổ biến trong quan hệ lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động, loại hợp đồng này có những đặc điểm, quyền lợi và nghĩa vụ riêng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. Hiểu rõ các quy định liên quan sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro pháp lý khi tham gia ký kết.

Ký hợp đồng lao động 6 tháng có được không?

1. Hợp đồng lao động 6 tháng là hợp đồng gì?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động mới nhất năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/1/2021, hợp đồng được chia thành hai loại gồm:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (không có sự xác định cụ thể về thời điểm và thời gian chấm dứt hiệu lực hợp đồng lao động).
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn (tối đa 36 tháng tính từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực).

Theo đó, hợp đồng lao động 6 tháng được hiểu là hợp đồng lao động xác định thời hạn, do có sự thống nhất rõ ràng từ khi giao kết về thời điểm và thời gian chấm dứt hiệu lực của hợp đồng lao động.

Từ đây, các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng 6 tháng sẽ được lấy căn cứ từ hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Quy định quan trọng về hợp đồng lao động 6 tháng

Khi giao kết hợp đồng, người tham gia cần nắm được quy định về hình thức giao kết và quy định về việc chấm dứt hợp đồng.

2.1 Hình thức giao kết hợp đồng lao động 6 tháng

Về hình thức, hợp đồng lao động dưới 6 tháng có thể được giao kết bằng văn bản giấy hoặc phương tiện điện tử.

a. Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản giấy

  • Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Bộ Luật lao động 2019, hợp đồng lao động thông thường phải được giao kết bằng văn bản.
  • Ngoài ra, có hai trường hợp bắt buộc phải giao kết hợp đồng bằng văn bản giấy là:
  • Lao động chưa đủ 15 tuổi và người đại diện pháp luật của lao động đó (Điểm a, Khoản 1, Điều 145).
  • Lao động là người giúp việc trong gia đình, cần giao kết hợp đồng bằng văn bản (Khoản 1, Điều 162).

b. Giao kết hợp đồng lao động qua phương tiện điện tử

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14: Những hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử theo đúng quy định về giao dịch điện tử (thông điệp dữ liệu) có giá trị tương đương với hợp đồng văn bản.

Lưu ý: Hợp đồng lao động 6 tháng được giao kết bằng lời nói sẽ không có hiệu lực pháp lý bởi pháp luật quy định chỉ có hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng mới có thể giao kết bằng lời nói.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 6 tháng

2.2 Chấm dứt hợp đồng lao động 6 tháng

Cả người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp dưới đây.

a) Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp nhất định căn cứ Điều 36, Bộ Luật lao động 2019.

– Người lao động không hoàn thành công việc theo hợp đồng:

  • Việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc phải dựa trên quy chế của doanh nghiệp.
  • Quy chế này cần có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).

– Người lao động bị ốm đau, tai nạn kéo dài nhưng chưa hồi phục:

  • Khi ký hợp đồng 6 tháng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu thời gian điều trị bệnh của người lao động quá 3 tháng.
  • Nếu sức khỏe hồi phục, người sử dụng lao động có thể xem xét ký kết lại hợp đồng.

– Lý do khách quan ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh:

  • Bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, chiến tranh, hoặc yêu cầu thu hẹp sản xuất từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Doanh nghiệp phải chứng minh đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể duy trì việc làm.

– Người lao động không quay lại làm việc sau thời gian tạm hoãn hợp đồng theo Điều 31 Bộ luật Lao động.

– Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Điều 169, Bộ luật Lao động, trừ khi có thỏa thuận tiếp tục làm việc.

– Người lao động tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

– Người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi ký kết hợp đồng.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần tuân thủ đúng trình tự và điều kiện theo quy định pháp luật nhằm tránh tranh chấp lao động.

b) Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Căn cứ Điều 35, Bộ Luật lao động 2019, người lao động ký hợp đồng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

Người lao động phải thông báo trước cho người sử dụng lao động theo thời gian quy định là 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Đối với một số ngành, nghề đặc thù, thời gian báo trước sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

  • Trường hợp người lao động có quyền nghỉ ngay, không cần báo trước:

Người lao động có thể chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Không được bố trí công việc, địa điểm làm việc hoặc điều kiện làm việc như thỏa thuận (trừ trường hợp điều chuyển hợp pháp theo Điều 29).
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng hạn (trừ trường hợp chậm lương theo Điều 97).
  • Bị ngược đãi, đánh đập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc bị cưỡng bức lao động.
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
  • Lao động nữ mang thai nghỉ việc theo Điều 138 Bộ luật Lao động.
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo Điều 169 (trừ khi có thỏa thuận tiếp tục làm việc).
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực, ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Hợp đồng lao động 6 tháng và các câu hỏi thường gặp

Các câu hỏi về BHXH và thuế thu nhập cá nhân của người lao động tham gia hợp đồng lao động 6 tháng là phổ biến nhất.

3.1 Ký hợp đồng 6 tháng có được đóng bảo hiểm không?

Có, ký hợp đồng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Căn cứ theo Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Do hợp đồng 6 tháng là hợp đồng xác định thời hạn và có thời gian từ đủ 1 tháng trở lên, người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia BHXH theo quy định.

3.2 Hợp đồng lao động dưới 6 tháng có phải đóng thuế thu nhập?

Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo biểu lũy tiến từng phần đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ trên 3 tháng.

Vì hợp đồng 6 tháng thuộc nhóm hợp đồng trên 3 tháng, nên:

  • Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công phải đóng thuế TNCN nếu tổng thu nhập chịu thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ (gia cảnh, bảo hiểm, từ thiện…) vượt quá mức chịu thuế.
  • Thuế TNCN được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần, tức là áp dụng thuế suất khác nhau cho từng phần thu nhập.
  • Nếu tổng thu nhập chưa đến mức chịu thuế, cá nhân có thể làm cam kết 02/CK-TNCN (nếu đủ điều kiện) để không bị khấu trừ thuế.

Như vậy, nếu ký hợp đồng 6 tháng và có thu nhập đạt ngưỡng chịu thuế thì phải nộp thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.

Với những thông tin mà BHXH đưa ra thì hợp đồng lao động 6 tháng mang lại sự linh hoạt nhưng cũng đi kèm với những quy định chặt chẽ về giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Người lao động và doanh nghiệp cần nắm rõ các điều khoản quan trọng để đảm bảo quyền lợi và tuân thủ đúng pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.