Chữ ký số công cộng là gì? Tại sao nên sử dụng chữ ký số công cộng?

Chữ ký số công cộng là gì? Đây là câu hỏi được nhiều cá nhân và doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng phát triển. Chữ ký số công cộng không chỉ giúp xác thực danh tính khi giao dịch điện tử mà còn đảm bảo tính bảo mật và pháp lý cho các văn bản số. 

1. Chữ ký số công cộng là gì?

Chữ ký số công cộng là gì?

Theo quy định tại Điều 12, Nghị định 23/2025/NĐ-CP định nghĩa về chữ ký số công cộng được hiểu như sau: Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Khoản 3, Điều 22, Luật Giao dịch điện tử.

Như vậy, chữ ký số công cộng được hiểu là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định bao gồm: 

  • Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu.
  • Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận.
  • Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký.
  • Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.
  • Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
  • Phương tiện tạo chữ ký số phải đảm bảo dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.

2. Tại sao doanh nghiệp nên sử dụng chữ ký số công cộng

Vì sao doanh nghiệp nên sử dụng chữ ký số công cộng?

Trước xu hướng số hóa thủ tục hành chính, doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh yếu tố tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chữ ký số còn hỗ trợ tốt quá trình bảo mật dữ liệu.

  • Hỗ trợ hoạt động kê khai thuế trực tuyến: Phần lớn hoạt động kê khai, nộp thuế hiện nay đều có thể thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên nếu muốn thực hiện các giao dịch này, doanh nghiệp cần dùng đến chữ ký số đã đăng ký với cơ quan thuế.
  • Đơn giản hóa quá trình ký kết hợp đồng: Khi ký kết hợp đồng điện tử, tất cả chủ thể tham gia cần xác nhận thỏa thuận bằng chữ ký số. Doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số có thể ký kết số lượng lớn hợp đồng, vừa tiết kiệm chi phí vừa rút ngắn thời gian ký kết.
  • Tiết kiệm thời gian và chi phí: Doanh nghiệp không cần đầu tư lớn cho đội ngũ nhân sự khi sử dụng chữ ký số công cộng vào quy trình ký kết hợp đồng, giao dịch điện tử. Chi phí in ấn, thời gian triển khai cũng giảm đáng kể.
  • Đảm bảo tính pháp lý: Chữ ký số công cộng có giá trị tương tự như chữ viết tay, con dấu đại diện cho doanh nghiệp. Văn bản điện tử ký kết bằng loại hình chữ ký này đảm bảo giá trị pháp lý, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho các bên.

3. Quy định về chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 13, Nghị định 23/2025/NĐ-CP, chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.

– Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.

Theo đó, việc sử dụng chữ ký số và chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 14, Nghị định 23/2025/NĐ-CP như sau:

– Chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch và các hoạt động theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.

– Việc ký thay, ký thừa lệnh thực hiện bởi người được giao, ủy quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký số ghi trên chứng thư chữ ký số.

Hy vọng qua bài viết BHXH cung cấp, độc giả đã hiểu rõ khái niệm, lợi ích cũng như lý do vì sao chữ ký số công cộng đang ngày càng trở nên quan trọng trong các giao dịch điện tử và quản lý hành chính. Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.