6 trường hợp hợp đồng thương mại bị vô hiệu cần lưu ý 

Hợp đồng thương mại đóng vai trò ghi nhận sự thỏa thuận và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, không phải mọi hợp đồng được ký kết đều có giá trị pháp lý. Vậy, hợp đồng thương mại bị vô hiệu khi nào? BHXH đưa ra những thông tin bổ ích ngay dưới đây.

6 trường hợp hợp đồng vô hiệu.

1. 6 trường hợp hợp đồng thương mại bị vô hiệu thường gặp nhất

Việc nhận diện các trường hợp hợp đồng vô hiệu là vô cùng quan trọng để phòng tránh rủi ro pháp lý. Do đó, cá nhân và doanh nghiệp khi ký hợp đồng thương mại đều cần phải xem xét kỹ lưỡng tránh các thiệt hại về tài chính hay uy tín của mình. Dưới đây là 6 trường hợp hợp đồng vô hiệu cần nắm được nhằm tránh các rủi ro liên quan đến tính pháp lý của hợp đồng.

1.1 Hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Trong trường hợp hợp đồng thương mại vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội sẽ bị vô hiệu. 

Trong đó:

  • Điều cấm của luật: Là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
  • Đạo đức xã hội: Là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. 

Ví dụ: 

  • Mua bán động vật quý hiếm có trong sách đỏ.
  • Hợp đồng mua bán nội tạng người.
  • Hợp đồng cho vay nặng lãi.

1.2. Hợp đồng vô hiệu do chủ thể hợp đồng

Các trường hợp hợp đồng thương mại vô hiệu do chủ thể hợp đồng như:

  • Người chưa thành niên
  • Người mất năng lực hành vi dân sự
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
  • Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

Hợp đồng vô hiệu do chủ thể hợp đồng bị hạn chế hành vi dân sự.

Ví dụ:

  • Chủ thể ký hợp đồng thương mại trong tình trạng bị say rượu, bị bệnh tâm lý.
  • Chủ thể ký hợp đồng mua bán nhà ở khi mới 13 tuổi.
  • Chủ thể giao kết hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật.

1.3. Hợp đồng thương mại do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Hợp đồng thương mại được ký trong trường hợp một bên tham gia giao dịch dân sự bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Ví dụ:

  • Lừa ký hợp đồng đầu tư với lợi nhuận cao.
  • Đe dọa đến sức khỏe tính mạng nếu không ký hợp đồng bán đất, bán nhà.

1.4. Hợp đồng thương mại vô hiệu do giả tạo 

Hợp đồng thương mại bị vô hiệu trong trường hợp. 

  • Hợp đồng xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. 
  • Hợp đồng thương mại xác lập nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Ví dụ: 

  • Cá nhân lập hợp đồng mua bán xe để che giấu hợp đồng cho thuê xe dài hạn.  
  • Doanh nghiệp lập hợp đồng mua bán tài sản để trốn trả nợ 

1.5. Hợp đồng thương mại bị vô hiệu trong trường hợp nhầm lẫn 

Trường hợp hợp đồng thương mại được giao kết khi có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn.

Ví dụ:

  • Hợp đồng thương mại nhập trái mận từ miền bắc của 1 công ty miền nam (miền Bắc là quả roi) sự nhầm lẫn về tên gọi khiến các bên không đạt được mục đích. 

1.6. Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Hợp đồng thương mại có hình thức không phù hợp theo quy định trong trường hợp sau sẽ vô hiệu:

  • Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực.
  • Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật.

Trong trường hợp  một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ  có thể yêu cầu tòa án xem xét ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Ví dụ: 

  • Hợp đồng mua bán nhà, bất động sản bắt buộc phải lập dưới dạng hợp đồng văn bản bằng giấy, trường hợp lập hợp đồng điện tử thì hợp đồng điện tử đó vô hiệu.

2. Những lưu ý tránh hợp đồng thương mại vô hiệu

Để đảm bảo các hợp đồng thương mại có giá trị pháp lý và bảo vệ quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, khi ký hợp đồng thương mại các chủ thể cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Nắm rõ các quy định giao kết hợp đồng trong lĩnh vực của mình
  • Kiểm tra kỹ năng lực pháp lý và năng lực hành vi của đối tác: Không ký hợp đồng với trẻ em, người mất năng lực hành vi hoặc đang ở trạng thái tâm lý không ổn định.
  • Kiểm tra thẩm quyền giao kết hợp đồng của người đại diện.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của hợp đồng.
  • Trong trường hợp hợp đồng có giá trị lớn nên tham khảo ý kiến của luật sư, người có kinh nghiệm.
  • Lưu trữ đầy đủ các giấy tờ liên quan đến quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Việc hiểu rõ các trường hợp hợp đồng thương mại bị vô hiệu khi nào là một trong những kiến thức pháp lý quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Bằng việc nắm vững những dấu hiệu nhận biết và thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền lợi và đảm bảo hoạt động kinh doanh được diễn ra suôn sẻ và bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.