Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những cách để bạn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm gánh nặng về chi phí khi đi khám chữa bệnh. Theo quy định trên thẻ BHYT đều ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” vậy thẻ BHYT ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” có ý nghĩa gì?
1. Ý nghĩa của việc ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” trên thẻ BHYT
Mỗi thông tin được in trên thẻ BHYT đều có ý nghĩa riêng, được quy định rõ ràng theo Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Căn cứ vào Điểm 1.9, Khoản 1, Điều 3, Quyết định số 1313/QĐ-BHXH trên thẻ BHYT ghi “Thời điểm đủ 05 năm liên tục:…” là căn cứ xác định thời gian đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục của người tham gia. Thông tin này giúp người tham gia BHYT và cơ sở y tế nhận biết và làm căn cứ xác định mức hưởng BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Quy ước ghi thông tin tại mục “Thời điểm đủ 05 năm liên tục:…” như sau:
– Trường hợp đã tham gia liên tục từ đủ 05 năm trở lên thì ghi thời điểm đủ 05 năm liên tục như sau:
- Những người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì ghi từ ngày 01/01/2015.
- Từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người tham gia BHYT bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì ghi từ ngày đầu tiên của năm thứ 6.
– Trường hợp người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT hoặc người tham gia BHYT có thời gian tham gia liên tục chưa đủ 05 năm thì để trống không ghi.
2. Quyền lợi của người tham gia BHYT đủ thời hạn 5 năm liên tục
Thời điểm đủ thời hạn 5 năm liên tục tham gia BHYT người tham gia sẽ có mức hưởng cao hơn so với mức hưởng khi chưa đủ 5 năm liên tục.
Căn cứ theo Điểm c, Khoản 15, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế ban hành ngày 13/6/2014 quy định người tham gia BHYT được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) với mức hưởng:
“100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến”
Như vậy, người tham gia BHYT có đủ các điều kiện nêu trên gồm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (LCS) thì được cơ quan BHXH thanh toán 100% chi phí khám bệnh chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của mình.
- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần KCB tại cùng cơ sở KCB lớn hơn 06 tháng LCS thì cơ sở KCB không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở đó và cơ sở KCB phải cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng LCS cho người bệnh. Căn cứ vào hóa đơn này người bệnh đề nghị BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở lớn hơn 06 tháng LCS thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng LCS và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 06 tháng LCS được tính từ ngày 01/01, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 05 năm liên tục đến hết ngày 31/12 của năm đó.
Ví dụ:
Mức lương cơ sở được áp dụng từ ngày 1/7/2019 là 1,49 triệu đồng/tháng). Lấy 06 tháng lương cơ sở từ 01/7/2019 là 8.940.000 đồng.
Ví dụ 1:
– Ông A tham gia BHYT liên tục đủ 05 năm từ ngày 31/12/2018. Khi đi KCB tổng chi phí cùng chi trả của ông A từ ngày 01/01/2019 đến ngày 01/8/2019 là 20.000.000 đồng.
Như vậy, khi ông A mang hóa đơn đến cơ quan BHXH, ông A sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 20.000.000 – 8.940.000 đồng = 11.060.000 đồng và được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm kể từ ngày 01/8/2019.
Sau khi có Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, khi đi KCB đúng tuyến, Ông A xuất trình giấy này để không phải thanh toán phần cùng chi trả như trước đây.
Ví dụ 2:
– Cô B tham gia BHYT liên tục đủ 05 năm từ ngày 1/6/2019. Khi đi KCB tổng chi phí cùng chi trả của cô B từ ngày 01/01/2019 đến 01/8/2019 là 20.000.000 đồng, trong đó: số tiền cùng chi trả từ ngày 01/01/2019 – 31/5/2019 là 5.000.000 đồng và từ ngày 01/6/2019 – 01/8/2019 là 15.000.000 đồng.
Như vậy, sau khi cô B thanh toán với cơ sở KCB, cô B mang hóa đơn đến cơ quan BHXH sẽ được giải quyết như sau:
- Số tiền cùng chi trả từ ngày 01/01/2019 – 31/5/2019 là 5.000.000 đồng cô B sẽ không được thanh toán lại do thời điểm này cô chưa tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục.
- Cô B sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả từ ngày 01/6/2019 – 01/8/2019 là 15.000.000 – 8.940.000 đồng = 6.060.000 đồng
- Được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm kể từ ngày 01/8/2019.
Trên đây là những chia sẻ của BHXH điện tử eBH về việc thẻ BHYT ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” có ý nghĩa gì. Nếu bạn đọc có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dây nóng 1900558873/ 1900558872 để được hỗ trợ tốt nhất.
2 Trả lời “Thẻ BHYT ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” có ý nghĩa gì?”