Sổ bảo hiểm xã hội và mã số sổ bảo hiểm xã hội là một trong những phương tiện giúp cơ quan BHXH, đơn vị, người tham gia BHXH theo dõi xác nhận quá trình tham gia BHXH của mình. Là căn cứ để hưởng các chế độ BHXH khi phát sinh.
1. Bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Có 2 hình thức tham gia BHXH là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Với mỗi hình thức tham gia BHXH sẽ có những quy định riêng và có các chế độ BHXH riêng.
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: Hưu trí; tử tuất.
Tham gia BHXH người lao động sẽ nhận được nhiều lợi ích, an tâm khi về già với chế độ lương hưu hay được trợ giúp kịp thời khi mất sức lao động. Để hưởng các chế độ từ BHXH người lao động cần đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định của Pháp luật.
2. Sổ bảo hiểm xã hội
Sổ BHXH có vai trò như thế nào? Người lao động có được quyền giữ sổ BHXH hay không? Là vấn đề khiến nhiều người thắc mắc.
2.1. Vai trò của sổ BHXH
Sổ BHXH được dùng để theo dõi quá trình tham gia BHXH của người lao động. Sổ cũng là căn cứ xét hưởng các chế độ BHXH của người lao động khi tham gia BHXH.
Ngoài ra sổ BHXH là thành phần trong rất nhiều hồ sơ làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí, thai sản, TNLĐ-BNN…của người lao động. Sổ chứng thực các điều kiện hưởng của người lao động.
2.2 Người lao động được quyền quản lý sổ BHXH
Căn cứ vào Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế thì người lao động có quyền quản lý sổ BHXH. Cụ thể như sau:
Căn cứ theo Điều 18, Luật bảo hiểm xã hội quy định quyền của người lao động:
- Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
- Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ vào Điều 19, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định trách nhiệm của người lao động:
- Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
- Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
- Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, tại Điều 50, Quyết định 959/QĐ-BHXH cũng quy định trách nhiệm của người tham gia, đơn vị, đại lý thu người tham gia có trách nhiệm tự bảo quản sổ BHXH, thẻ BHYT.
3. Mã số bảo hiểm xã hội
Tại Khoản 2, Điều 3, Quyết định 346/QĐ-BHXH ban hành ngày 28/3/2019, mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT.
Căn cứ theo Công văn 3340/BHXH-ST năm 2017 về việc cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, quy định chi tiết về mã số BHXH và số sổ BHXH như sau:
- Thay thế cụm từ “Số sổ:” in trên bìa và tờ rời của sổ BHXH bằng cụm từ “Mã số:”
Ví dụ: trên bìa và tờ rời sổ BHXH cũ in “Số sổ: 0118000001”, nay được in là “Mã số: 0118000001”
Mã số BHXH về bản chất chính là “Số sổ” BHXH. Mã số BHXH của mỗi người là duy nhất, dù đổi sổ mới thì mã số sổ vẫn được giữ nguyên. Đây cũng là mã số định danh duy nhất gắn với người lao động trong suốt quá trình tham gia BHXH và được sử dụng để quản lý người tham gia BHXH trên các thiết bị điện tử.
Trên đây là chia sẻ của bảo hiểm xã hội eBH về số sổ bảo hiểm xã hội và mã số bảo hiểm. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm doanh nghiệp và người lao động vui lòng liên hệ theo đường dây nóng 1900558873 hoặc 1900558872 để được hỗ trợ tốt nhất.