Mức lương tối thiểu vùng là căn cứ quan trọng để xác định nhiều chế độ cho người lao động, trong đó có mức lương, mức đóng hay trợ cấp bảo hiểm xã hội… Năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2019 của Chính Phủ.
Quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.
1. Căn cứ pháp lý quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2021
Căn cứ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2020 đã đề cập đến mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2021.
Cụ thể tại Điểm a, Khoản 1, Điều 96, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về chế độ, điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động như sau:
“1. Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ:
a) Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ)”.
Mặt khác Điểm a, Khoản 1, Điều 103, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chế độ, điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động
“2. Trọng tài viên lao động được hưởng các chế độ:
a) Mỗi ngày thực tế nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập bằng chứng và tiến hành cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động theo phân công thì được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ)”
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021, mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2019. Mức lương tối thiểu vùng này sẽ được áp dụng cho đến khi có quy định mới.
2. Mức lương tối thiểu vùng năm 2021
Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng cho rất nhiều đối tượng bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Cụ thể, theo Điều 2, Nghị định 90/2019/NĐ-CP đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2021 gồm có:
Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (có thời hạn hoặc không có thời hạn) theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Các doanh nghiệp, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
Vùng áp dụng | Mức lương tối thiểu |
Vùng I | 4.420.000 đồng/tháng |
Vùng II |
3.920.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.430.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 3.070.000 đồng/tháng |
Mức lương tối thiểu theo vùng năm 2021.
Với mỗi đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh sẽ được phân loại theo từng vùng theo mức độ phát triển kinh tế xã hội. Vùng I là vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển ở mức cao, thấp nhất là vùng IV. Để xác định được địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được chính xác người lao động và doanh nghiệp đối chiếu với Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Có thể thấy mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được giữ nguyên so với năm 2020. Mức lương tối thiểu vùng không tăng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế trì trệ và gặp nhiều khó khăn. Hy vọng với những nỗ lực từ Chính phủ và người dân sẽ nhanh chóng đẩy lùi được đại dịch nâng cao mức lương tối thiểu vùng giúp người dân để đảm bảo cuộc sống tối thiểu tốt hơn.