Mẫu hợp đồng gia công quốc tế và một số quy định pháp luật

Hợp đồng gia công quốc tế là một loại hợp đồng quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu, là lĩnh vực trọng yếu góp phần thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về khái niệm, nội dung mẫu hợp đồng gia công quốc tế cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia theo các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

Tổng quan về hợp đồng gia công quốc tế

1. Khái niệm và quy định chung về hợp đồng gia công quốc tế

Gia công trong thương mại nói chung và hợp đồng gia công quốc tế nói riêng được quy định bởi Luật thương mại 2005 và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

1.1 Khái niệm gia công quốc tế

Điều 178, Luật thương mại 2005, gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

Theo quy định tại Điều 79, Luật thương mại 2005, hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật thương mại.

1.2 Gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài

Điều 38, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chung về việc gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài như sau:

  • Thương nhân Việt Nam được nhận gia công hàng hóa hợp pháp cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
  • Đối với hàng hóa thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài.
  • Đối với các mặt hàng nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc gia công hàng hóa thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cấp Giấy phép.

2. Nội dung hợp đồng gia công quốc tế kèm mẫu

Hợp đồng gia công quốc tế là một loại hợp đồng có tính đặc thù riêng. Do đó, loại hợp đồng này cũng được pháp luật quy định về nội dung một cách cụ thể.

2.1 Nội dung bắt buộc có trong hợp đồng gia công quốc tế

Theo quy định về nội dung của hợp đồng gia công tại Điều 39, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, nội dung của hợp đồng phải bao gồm tất cả các điều khoản tối thiểu sau: 

  • “Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.
  • Tên sản phẩm và số lượng gia công.
  • Chi phí gia công (giá).
  • Thời hạn và phương thức thanh toán.
  • Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.
  • Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).
  • Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.
  • Địa điểm và thời gian giao hàng.
  • Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.
  • Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.”

2.2 Mẫu hợp đồng gia công quốc tế

Dưới đây là mẫu hợp đồng gia công quốc tế sưu tầm. Doanh nghiệp trong ngành dệt may, gia công hàng quốc tế có thể tham khảo.

Tải hợp đồng tại đây!

Lưu ý, khi thực hiện soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp cần xem xét kỹ các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên, khiếu nại, các trường hợp bất khả kháng…

Quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng gia công quốc tế

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công quốc tế

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công quốc tế được thiết lập dựa trên quy định của luật pháp các nước tham gia hợp đồng.

Căn cứ Điều 42, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Quản lý ngoại thương, các bên trong hợp đồng gia công có các quyền và nghĩa vụ sau:

3.1 Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công

a) Quyền

  • Căn cứ thỏa thuận hợp đồng gia công quốc tế, các bên thực hiện giao toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu, vật tư gia công.
  • Sau khi thanh lý hợp đồng gia công, các bên nhận lại toàn bộ thiết bị, máy móc, đã cho bên nhận gia công thuê hoặc mượn và nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công. Ngoại trừ những trường hợp được phép xuất khẩu tại chỗ, biếu tặng hoặc tiêu hủy theo quy định.
  • Bên đặt gia công trong hợp đồng gia công quốc tế được cử chuyên gia đến Việt Nam để kiểm tra chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Các sản phẩm gia công, thiết bị, máy móc cho thuê hoặc cho mượn nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu được phép xuất khẩu tại chỗ dựa trên thỏa thuận của các bên có liên quan với điều kiện là phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

b) Nghĩa vụ

  • Tuân thủ quy định của hợp đồng gia công quốc tế đã ký kết và các quy định của pháp luật Việt nam về hoạt động gia công.
  • Tên gọi xuất xứ hàng hóa và quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa do bên đặt gia công chịu trách nhiệm.
  • Bên đặt gia công trong hợp đồng gia công quốc tế phải thực hiện nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3.2 Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công

a) Quyền

  • Hàng hóa tạm nhập khẩu được miễn thuế xuất nhập khẩu dựa trên định mức và tỷ lệ hao hụt để bên nhận gia công thực hiện hợp đồng gia công hoặc sản phẩm gia công để xuất khẩu.
  • Bên nhận gia công trong hợp đồng gia công quốc tế được thuê thương nhân khác thực hiện gia công.
  • Bên nhận gia công được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên vật liệu, phụ liệu để thực hiện gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công quốc tế; Phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư bên nhận gia công mua trong nước thì phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định.
  • Bên thực hiện gia công được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, ngoại trừ những sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Trường hợp sản phẩm được nhận thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện thì bên đặt gia công phải tuân thủ các quy định pháp luật về giấy phép, điều kiện.

b) Nghĩa vụ:

  • Tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng gia công quốc tế đã ký kết; các quy định của pháp luật Việt Nam về gia công sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu hàng hóa.
  • Thực hiện thủ tục về xuất khẩu tại chỗ các thiết bị, máy móc thuê mượn, sản phẩm gia công, nguyên vật liệu dư thừa, phụ liệu, phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công.

Trên đây https://baohiemxahoidientu.edu.vn/ cung cấp những quy định quan trọng cơ bản nhất mà các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng gia công quốc tế cần tìm hiểu. Từ đó giúp cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động gia công thương mại theo đúng quy định của pháp luật và tránh được những rủi ro không đáng có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.