Luật bảo hiểm y tế quy định mức đóng và mức hưởng BHYT như thế nào?

   Luật bảo hiểm y tế là văn bản có tính pháp lý quan trọng quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế. Luật bảo hiểm y tế quy định về mức đóng và mức hưởng BHYT như thế nào? Trong bài viết ngày hôm nay Bảo hiểm xã hội điện tử sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn.

Căn cứ vào Luật bảo hiểm y tế 2008 và Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 (Xem tại đây) xác định mức đóng và mức hưởng BHYT cho người tham gia.

I. Mức đóng bảo hiểm y tế

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014, sửa đổi bổ sung Điều 13, Luật Bảo hiểm y tế về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế như sau:

1.Mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc

Mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc

“a) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH thì mức đóng hàng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức BHXH đóng;

b) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3;

c) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a Khoản 2, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

d) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

đ) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

e) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí và do ngân sách nhà nước đóng;

g) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m Khoản 3, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng;

h) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Điểm n, Khoản 3, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;

i) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Khoản 4, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng;

k) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại Khoản 5, Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.

Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.”

2. Mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Khi muốn tham gia BHYT mà đối tượng tham gia không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì phải tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Căn cứ vào mục 3, Khoản 7, Điều 1, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định mức đóng của các thành viên tham gia BHYT hộ gia đình như sau:

Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể là:

  • Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
  • Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
  • Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Chính phủ quy định cụ thể mức đóng, mức hỗ trợ quy định tại Điều này”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 14 như sau:

“4. Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức lương cơ sở.

Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.”

II. Mức hưởng bảo hiểm y tế

Mức hưởng bảo hiểm y tế được quy định chi tiết tại Mục 15, Khoản 15, Điều 1, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 sửa đổi bổ sung Điều 22, Luật BHYT 2008 như sau:

“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế

  1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i Khoản 3, Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;

đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

  1. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
  2. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Mức hưởng khi đi khám BHYT đúng tuyến và trái tuyến.

  1. Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
  2. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
  3. Từ ngày 01/01/2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại Khoản 1, Điều này cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
  4. Chính phủ quy định cụ thể mức hưởng đối với việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa bàn giáp ranh; các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và các trường hợp khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, theo Luật bảo hiểm y tế quy định mức đóng và mức hưởng BHYT được thực hiện theo luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.