Hợp đồng BCC là gì? Nội dung chính của hợp đồng BCC

Hợp đồng BCC là gì và nội dung chính của hợp đồng BCC như thế nào? Khi nền kinh tế thị trường bùng nổ, hợp đồng BCC được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều hơn. Thông qua hợp đồng BCC nhà đầu tư không cần phải thành lập một công ty mới mà vẫn có thể hợp tác kinh doanh hiệu quả.

Tìm hiểu hợp đồng BCC là gì.

1. Hợp đồng BCC là gì?

Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) được nhắc đến rất nhiều trong hoạt động kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp.

Theo Khoản 14, Điều 3, Bộ Luật đầu tư 2020 quy định như sau:

“14. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”

Như vậy, Hợp đồng BCC có thể hiểu là hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh từ đó chia sẻ lợi nhuận, rủi ro mà không cần thành lập một pháp nhân riêng.

2. Đặc điểm của hợp đồng BCC

Bên cạnh việc hiểu rõ hợp đồng BCC là gì thì việc nắm được đặc điểm của hợp đồng BCC cũng đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự thành công trong các giao dịch kinh tế.

Những đặc điểm của hợp đồng BCC:

  • Có nhiều chủ thể tham gia hợp đồng: Chủ thể tham gia có thể gồm 2 bên hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào mong muốn của các bên giao kết.
  • Không thành lập pháp nhân: Các bên tham gia hợp tác sẽ không cần đăng ký thành lập một công ty riêng biệt.
  • Chia sẻ lợi nhuận và rủi ro: Các chủ thể tham gia hợp đồng cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Linh hoạt: Các bên có thể thỏa thuận các điều khoản hợp tác phù hợp với nhu cầu và lợi ích của mình, tuy nhiên đảm bảo không trái với quy định của pháp luật.
  • Các bên tham gia vẫn chịu trách nhiệm cá nhân về các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.

3. Nội dung chính của hợp đồng BCC

Hợp đồng BCC là một hình thức hợp tác kinh doanh linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhiều trường hợp hợp tác kinh doanh. Hợp đồng BCC cho phép các bên cùng góp vốn, tài sản hoặc công sức để thực hiện một dự án chung.

Nội dung chính của hợp đồng BCC.

3.1 Các nội dung chính của hợp đồng BCC

Các nội dung chính của hợp đồng BCC được quy định tại Điều 28,  Bộ Luật đầu tư 2020, cụ thể gồm:

(1) Thông tin các bên tham gia

Hợp đồng phải có đầy đủ thông tin của các bên tham gia (chủ thể hợp đồng):

  • Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; 
  • Địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

(2) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh

  • Hợp đồng xác định rõ mục tiêu mà các bên muốn đạt được thông qua hợp tác (Ví dụ: xuất khẩu 1000 tấn hàng hóa sang thị trường Châu Âu).
  • Quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh mà các bên sẽ cùng thực hiện.

(3) Góp vốn

Hợp đồng cần có các điều khoản quy định rõ đóng góp và phân chia lợi nhuận và rủi ro đầu tư kinh doanh giữa các bên gồm:

  • Hình thức góp vốn: Có thể góp vốn bằng tiền, tài sản, công sức hoặc quyền sở hữu trí tuệ.
  • Thời hạn góp vốn: Quy định thời gian mà các bên phải hoàn thành việc góp vốn.
  • Tỷ lệ chia lợi nhuận và rủi ro: tiêu chí phân chia, thời gian phan chia.

>>> Xem thêm: Hợp đồng điện tử, phần mềm hợp đồng điện tử.

(4) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng

  • Thời hạn: Quy định thời hạn của hợp đồng.
  • Điều kiện chấm dứt: Xác định các trường hợp dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

(5) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng

Hợp đồng cần có các điều khoản ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

  • Quyền nhận lợi nhuận.
  • Quyền phân chia tài sản.
  • Nghĩa vụ đóng góp.
  • Nghĩa vụ cung cấp thông tin, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ…

(6) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng

  • Các trường hợp chấm dứt hợp đồng.
  • Thời điểm chấm dứt hợp đồng.
  • Điện kiện sửa đổi hợp đồng.
  • Quy định về việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.

(7) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp

  • Phương thức giải quyết: thông qua thương lượng, trọng tài hoặc tòa án.

Lưu ý:

Ngoài các nội dung chính nêu trên thì khi ký hợp đồng BCC cần lưu ý:

  • Thêm nội dung điều khoản quy định các trường hợp bất khả kháng.
  • Thêm nội dung điều khoản bảo mật, quy định về việc bảo mật thông tin của các bên.
  • Tuân thủ các quy định của Pháp luật về hợp đồng và về lĩnh vực ký kết hợp đồng.
  • Trường hợp ký hợp đồng BCC theo phương thức giao dịch điện tử cần tuân thủ Luật giao dịch điện tử hiện hành.

3.2 Ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng BCC

Ưu điểm của hợp đồng BCC gồm:

Ưu điểm của hợp đồng BCCNhược điểm của hợp đồng BCC
– Thủ tục đơn giản: So với việc thành lập một công ty, thủ tục ký kết hợp đồng BCC đơn giản và nhanh chóng hơn.- Linh hoạt: Hợp đồng BCC cho phép các bên có nhiều tự do hơn trong việc điều chỉnh các điều khoản hợp tác.- Tiết kiệm chi phí: Việc không cần thành lập công ty giúp tiết kiệm được nhiều chi phí.– Rủi ro cao: Các bên tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân về các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.- Khó khăn trong việc huy động vốn: Việc không có tư cách pháp nhân sẽ gây khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư.- Tranh chấp: Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng BCC có thể phức tạp hơn so với các hình thức hợp tác khác.

Với ưu điểm như chia sẻ rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực và linh hoạt trong quản lý, hợp đồng BCC đang ngày càng được các doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, cá nhân và tổ chức cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của các bên, việc soạn thảo hợp đồng cần được thực hiện một cách cẩn trọng và chi tiết.

Trên đây BHXH đã cung cấp thông tin hợp đồng BCC là một công cụ linh hoạt và hiệu quả trong hợp tác kinh doanh, đặc biệt phù hợp với các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Hiểu rõ hợp đồng BCC là gì và nội dung của hợp đồng sẽ giúp các nhà kinh doanh đạt được hiệu quả cao và thành công trong hoạt động kinh doanh của mình. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.