Theo quy định của Luật BHXH, 3 tháng sau thôi việc lao động có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mốc thời gian này khiến nhiều người lầm tưởng là không hưởng thì sẽ mất trợ cấp. Tuy nhiên, lao động có thể bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp trong rất nhiều trường hợp, cộng dồn để hưởng trợ cấp sau này. Nội dung cụ thể sẽ được cung cấp và giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Các trường hợp và công thức tính bảo lưu Bảo hiểm thất nghiệp
Một số trường hợp người lao động sẽ được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, quy định cụ thể như dưới đây:
6 trường hợp được bảo lưu BHTN
Căn cứ Khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm 2013, 6 trường hợp lao động được bảo lưu BHTN như sau:
- Lao động đã tìm được công việc.
- Người lao động phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến quân sự, an ninh, công an.
- Lao động phải đi học, đào tạo với thời gian ít nhất 12 tháng.
- Lao động chấp hành các biện pháp giáo dưỡng, cai nghiện, giáo dục bắt buộc.
- Tòa án nhân dân đã có thông báo, tuyên bố người lao động mất tích.
- Lao động bị phạt ngồi tù hoặc bị tạm giam để điều tra, chờ thi hành án,…
Công thức tính thời gian bảo lưu BHTN
Thời gian bảo lưu BHTN được xác định theo công thức sau:
T(BL) = T(BHTN) – T(TCTN)
Trong đó:
- T(BL) là thời gian người lao động được bảo lưu BHTN.
- T(BHTN) là tổng thời gian đóng BHTN.
- T(TCTN) là khoảng thời gian đã được chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến bảo lưu BHTN
Người lao động cần nắm vững quy định của Luật BHXH để hiểu rõ hơn về vấn đề này, tránh nhầm lẫn về việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp
3 tháng sau khi thôi việc không hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có bị mất không?
Nhiều người lao động không hiểu rõ về quy định của Luật nên hiểu sai về vấn đề này. Căn cứ vào Điều 46, Luật Việc làm năm 2013, sau khi lao động chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị, trong vòng 3 tháng, người lao động chưa tìm được việc và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tiến hành nộp hồ sơ.
Như vậy, thời gian quy định nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng sau khi thôi việc. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện để làm căn cứ xác định có bị mất trợ cấp thất nghiệp hay không.
Mặt khác, căn cứ vào Điều 45 của Luật Việc làm năm 2013 thời gian tính hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian liên tục và không liên tục mà có đóng BHTN. Tổng thời gian hưởng BHTN sẽ được xác định và cộng dồn cho đến khi lao động ký chấm dứt hợp đồng mà chưa hưởng BHTN.
Như vậy, kể cả khi quá 3 tháng nộp hồ sơ mà người lao động chưa làm thủ tục BHTN thì trợ cấp vẫn không bị mất. Khoảng thời gian này sẽ được bảo lưu BHTN, cộng dồn và tính trợ cấp cho các lần sau.
Bảo hiểm thất nghiệp có tự động bảo lưu không?
Nhiều người lao động vì các lý do đặc biệt mà không làm thủ tục hoặc đang làm hồ sơ hưởng thất nghiệp thì không thể làm tiếp. Vậy khi đó, BHTN có tự động bảo lưu không?
Căn cứ Điều 18 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, các trường hợp người lao động đủ điều kiện bảo lưu đều được Cơ quan BHXH thông báo, quyết định và thực hiện bảo lưu. Do vậy, Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu.
Trên đây bảo hiểm xã hội đã cung cấp cho người lao động để hiểu rõ hơn về bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Lao động cần xem xét trường hợp của mình có được bảo lưu hay không và biết công thức tính để xác định quãng thời gian bảo lưu, phục vụ cho tính trợ cấp thất nghiệp hưởng sau này.