Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo luật của người lao động

   Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo luật của người lao động như thế nào? Bài viết hôm nay Bảo hiểm xã hội điện tử eBH sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này và hướng dẫn cách làm hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhanh giúp người lao động có thể chủ động hơn khi không may rơi vào tình trạng này.

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo luật của người lao động.

I. Bảo hiểm thất nghiệp 

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách được lập ra nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động khi bị mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những bảo hiểm quan trọng góp phần xây dựng chế độ an sinh xã hội tốt hơn, giúp người lao động có thể an tâm làm việc và cống hiến cho đất nước.

1.Khái niệm về bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ vào Khoản 4, Điều 3, Luật việc làm năm 2013 bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo 5  nguyên tắc theo quy định bao gồm:

  • Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN.
  • Mức đóng BHTN được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động.
  • Mức hưởng BHTN được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHTN
  • Việc thực hiện BHTN phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
  • Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ.

2. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ vào Điều 42, Luật Việc làm năm 2013 Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm 4 chế độ sau:

  • Trợ cấp thất nghiệp.
  • Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
  • Hỗ trợ Học nghề.
  • Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

II. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo luật của người lao động

Không phải người lao động nào cũng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo luật quy định tại Điều 49, Luật việc làm năm 2013.

Người lao động phải thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 49, Luật việc làm năm 2013.

Khoản 1, Điều 43, Luật việc làm 2013 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là:

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

  1. a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  2. b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  3. c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc là người lao động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a, Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

b, Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 43 của Luật này.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 của Luật này.

  • c, Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
  • d, Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
  • Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Chết.

III. Hướng dẫn làm hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp

Rất nhiều người lao động gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ nhận BHTN, Hồ sơ nhận BHTN bao gồm những gì? sau đây sẽ là hướng dẫn làm hồ sơ  nhận BHTN chi tiết cho từng trường hợp.

Các bước lập hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Bước 1: Lập hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp

Hồ sơ nhận BHTN bao gồm:

  1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
  2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
  • Quyết định thôi việc;
  • Quyết định sa thải;
  • Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
  • Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp người lao động tham gia BHTN theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 43, Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.

Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động. Trong thời hạn 30 ngày đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. 

Bước 2: Thực hiện nộp hồ sơ nhận BHTN

Căn cứ vào Điều 46, Luật việc làm năm 2013 để hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động cần tiến hành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Sau khi xem xét hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu người lao động không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản ghi rõ lý do. 

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 20 ngày sau khi nộp hồ sơ nhận BHTN nếu đủ điều kiện tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong trường hợp không đủ điều kiện người lao động cần xem rõ lý do không được hưởng trợ cấp BHTN và tiến hành điều chỉnh nếu được.

Trên đây bảo hiểm xã hội đã chia sẻ về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo luật của người lao động và hướng dẫn cách làm hồ sơ nhận BHTN trong bài viết ngày hôm nay sẽ hữu ích cho quý vị và các bạn. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.