Cơ chế tài chính của bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Bản chất của BHXH là hoạt động tài chính, cơ chế tài chính của BHXH vững chắc giúp người lao động tham gia BHXH an tâm khi không may gặp phải các rủi ro không mong muốn hoặc mất khả năng lao động.

1. Nguyên tắc của BHXH

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Để có thể hoạt động hiệu quả trơn chu hiệu quả BHXH hoạt động trên nguyên tắc cơ bản.

Căn cứ theo Điều 5, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có 05 nguyên tắc của BHXH định hướng và xuyên suốt các hoạt động của BHXH. Cụ thể gồm

  1. Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.
  2. Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
  3. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH. Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
  4. Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
  5. Việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH.

2. Cơ chế tài chính của Bảo hiểm xã hội

Hiện nay ở các quốc gia trên thế giới có 2 cơ chế tài chính được áp dụng phổ biến cho BHXH là Cơ chế tọa chi từ Ngân sách nhà nước và Cơ chế Quỹ tài chính độc lập. Theo PGS.TS Phan Duy Minh (Học viện Tài chính) hai cơ chế tài chính của BHXH cụ thể như sau:

2.1 Cơ chế tọa chi từ Ngân sách nhà nước 

Với cơ chế tọa chi ngân sách nhà nước thì BHXH là một nội dung của Ngân sách nhà nước (NSNN). Hàng năm, trong dự toán NSNN của Chính phủ, các khoản chi có liên quan của BHXH được tổng hợp lại và ghi thành một nội dung chi của NSNN. Trên cơ sở số chi đó xác định số phải thu cần thiết tương ứng. Căn cứ vào số phải thu, người ta xác định mức phí BHXH phải đóng góp trong tổng quỹ lương của số người lao động tham gia BHXH. Số tiền thu về BHXH năm nào sẽ được chi trả hết cho năm đó. Ở năm tiếp theo lại xác định tổng số cần phải chi để làm căn cứ xác định mức thu phí mới. 

Cơ chế tọa chi từ Ngân sách nhà nước số tiền thu về BHXH năm nào sẽ được chi trả hết cho năm đó.

Ưu điểm của cơ chế này  là xác định mức phí BHXH khá đơn giản, theo thực tế chi tiêu. Nhược điểm là mức phí phải xác định thường xuyên hàng năm và trong nhiều trường hợp, do có những biến động khách quan, số chi tăng mạnh, thì số thu phí không đủ để trang trải, nên NSNN buộc phải chi bù, làm giảm những nội dung chi khác. Nếu tình trạng này kéo dài, cùng với sự eo hẹp của NSNN, sẽ dẫn đến sự bị động, khó khăn trong chi trả BHXH.

Ở Việt Nam BHXH chính thức được triển khai từ năm 1962. Giai đoạn từ đó cho đến năm 1995 đều áp dụng theo cơ chế tọa chi từ NSNN, với mức phí tính toán ban đầu bằng 4,7% quỹ lương, do cơ sở sử dụng lao động nộp toàn bộ. Mức phí đó đã được giữ qua rất nhiều năm, nên những năm về sau là không đủ để trang trải cho các khoản chi BHXH, nhưng vẫn không được điều chỉnh kịp thời, dẫn đến tình trạng NSNN phải cấp bù, bao cấp nặng nề. Trong khi đó, NSNN giai đoạn này ngày càng khó khăn, làm cho chi trả BHXH rất bị động và eo hẹp, đặc biệt là những năm 1980.

Xem thêm >> Quỹ bảo hiểm xã hội là gì và các nguồn hình thành quỹ BHXH

2.2 Cơ chế quỹ tài chính độc lập – Cơ chế tài chính của bảo hiểm xã hội hiện nay

Theo cơ chế quỹ tài chính độc lập thì BHXH được điều hành dưới dạng quỹ tài chính có tính chất của tài chính công nhưng độc lập tương đối với NSNN.

Ưu điểm nổi bật của cơ chế quỹ tài chính độc lập của BHXH là mức phí được tính toán một lần nhưng được giữ ổn định cho nhiều năm; tiền nhàn rỗi của quỹ có thể đầu tư sinh lợi, làm cho quỹ được bảo toàn và tăng trưởng, là điều kiện để tăng thêm các khoản phúc lợi của người tham gia BHXH. 

BHXH theo cơ chế quỹ tài chính độc lập có tính chất của tài chính công nhưng độc lập tương đối với NSNN.

Đặc biệt, với cơ chế quỹ tài chính, tính chủ động trong thu chi của BHXH được nâng cao; quy mô của quỹ là khá ổn định, nên có thể mở rộng cho nhiều nội dung BHXH.

Tuy nhiên hạn chế của cơ chế này là tình trạng thặng dư quỹ vào giai đoạn đầu mới hình thành quỹ và sau một số năm nhất định, khi các đối tượng tham gia đã đến hạn được hưởng BHXH, thì nguy cơ thu không đủ chi (thâm hụt quỹ) rất dễ xảy ra. 

Ở Việt Nam, từ ngày 01/10/1995 BHXH chuyển sang cơ chế tài chính mới, là cơ chế Quỹ tài chính độc lập ngoài NSNN. Với cơ chế mới này, mức phí đã tăng lên đáng kể so với trước đó. Cụ thể, mức phí áp dụng là 20% quỹ lương, trong đó người sử dụng lao động đóng 15%, người lao động đóng 5%; đến năm 2002 bổ sung thêm bảo hiểm y tế, với mức phí 3% quỹ lương, do người sử dụng lao động đóng 2%, người lao động đóng 1%. 

Khi Luật bảo hiểm xã hội ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày  01/01/2007, mức phí áp dụng được thực hiện theo lộ trình của Luật quy định. Nhờ sự đổi mới này mà hoạt động BHXH ngày càng được mở rộng, với 7 trên 9 nội dung theo quy định của ILO đã được triển khai, là bảo hiểm y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nạn – bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hưu trí, trợ cấp tử tuất và Bảo hiểm thất nghiệp. 

Việc chi trả, thanh toán BHXH cũng được thực hiện khá kịp thời, bên cạnh đó là các khoản phúc lợi do BHXH mang lại (chế độ điều dưỡng, nghỉ mát) cũng không ngừng tăng, làm cho người lao động thực sự yên tâm, phấn khởi và tin tưởng vào BHXH Việt Nam. 

Như vậy, hiểu rõ về cơ chế tài chính của bảo hiểm xã hội sẽ giúp người tham gia tin tưởng và nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của BHXH trong việc ổn định xã hội, đóng góp vào an sinh xã hội cho đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.