Cập nhật luật bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2020

Luật bảo hiểm xã hội được ban hành ngày 29/6/2006 và được sửa đổi bổ sung ngày 20/11/2014. Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quy định quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng tham gia BHXH khác.

Luật bảo hiểm xã hội.

1. Đối tượng điều chỉnh theo luật BHXH 

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập, được thực hiện dựa trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Luật bảo hiểm xã hội ra đời đảm bảo việc thực thi các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội cha các đối tượng gồm:

  • Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện. 
  • Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
  • Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
  • Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng tham gia nếu không tuân thủ đúng theo quy định của luật BHXH sẽ hủy quyền tham gia BHXH của đối tượng đó. Các đối tượng sai phậm có thể bị phạt hành chính, nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Các loại hình tham gia BHXH được quy định theo luật bảo hiểm xã hội

Có 2 loại hình tham gia BHXH được quy định theo Luật bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. BHXH bắt buộc gồm 5 chế độ:

  • Chế độ ốm đau
  • Chế độ thai sản
  • Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Chế độ hưu trí
  • Chế độ tử tuất

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. BHXH tự nguyện có 2 chế độ gồm: 

  • Chế độ hưu trí
  • Chế độ tử tuất
Theo luật bảo hiểm xã hội có 2 loại hình tham gia BHXH là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Các đối tượng tham gia BHXH cần phải đóng quỹ BHXH. Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước. Quỹ được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

3. Quyền lợi của người tham gia BHXH theo luật bảo hiểm xã hội

Luật bảo hiểm xã hội quy định quyền lợi của các đối tượng tham gia BHXH đồng thời cũng nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của người tham gia BHXH.

3.1 Quyền của người lao động

Theo luật Bảo hiểm xã hội, người lao động tham gia BHXH được nhận rất nhiều quyền lợi. Có 8 quyền lợi chính sau đây:

  • Được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Luật này.
  • Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
  • Nhận lương hưu và trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời, theo các hình thức chi trả được quy định. 
  • Được hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp theo quy định.
  • Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định. 
  • Được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.
  • Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Được quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người lao động:

Người lao động có nhiều quyền lợi khi tham gia BHXH. Tuy nhiên quyền lợi luôn đi kèm với trách nhiệm. Các trách nhiệm người lao động cần thực hiện gồm:

  • Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
  • Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
  • Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Quyền lợi của người tham gia BHXH theo luật BHXH.

3.2 Quyền của người sử dụng lao động

Căn cứ theo luật bảo hiểm xã hội người sử dụng lao động khi tham gia BHXH có các quyền lợi sau:

  • Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
  • Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Người lao động cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình:

  • Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Đóng BHXH theo quy định.
  • Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
  • Phối hợp với cơ quan BHXH trả trợ cấp BHXH cho người lao động.
  • Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
  • Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.
  • Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
  • Hàng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp. 

Luật bảo hiểm xã hội giữ vai trò quan trọng trong việc điều hướng và thực thi các chính sách bảo hiểm xã hội. Nắm rõ luật giúp người lao động và người sử dụng lao động phát huy tối đa lợi ích của mình và tránh được những rủi ro đáng tiếc. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.