Cách xây dựng thang bảng lương 2020 theo quy định mới nhất của Chính phủ

Đối với doanh nghiệp, xây dựng thang và bảng lương là quy trình rất quan trọng. Đây là cơ sở để trả lương và tính nhiều chế độ khác cho nhân viên. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách xây dựng thang bảng lương đúng theo quy định của Chính phủ. Nếu doanh nghiệp của bạn cũng đang vướng mắc về vấn đề này thì tham khảo ngay hướng dẫn dưới đây.

I. Căn cứ pháp lý để xây dựng thang bảng lương

Căn cứ Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp cần căn cứ vào quy mô, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động để xây dựng nên thang lương, bảng lương đối với các cấp lao động và đối với từng lao động. Ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp dưới 10 lao động thì được miễn gửi thang và bảng lương cho cơ quan quản lý về lao động.

                             Cách xây dựng thang bảng lương 2020 theo quy định mới

II. Thủ tục hồ sơ để xây dựng thang, bảng lương

Để xây dựng nên hệ thống thang, bảng lương, doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ sau:

  • Hệ thống thang, bảng lương của toàn bộ doanh nghiệp.
  • Công văn để xin đăng ký hệ thống thang, bảng lương.
  • Quyết định ban hành và áp dụng hệ thống thang, bảng lương của doanh nghiệp.
  • Biên bản, quyết định thông qua hệ thống thang, bảng lương.
  • Quy định áp dụng thang, bảng lương theo các tiêu chí, cấp bậc, chức vụ.
  • Quy chế áp dụng tiền lương, thưởng, phụ cấp của doanh nghiệp.

III. Cách xây dựng thang bảng lương 2020

Để xây dựng nên thang, bảng lương, doanh nghiệp cần lưu ý và căn cứ vào nguyên tắc: Lương của bậc 1 thấp nhất phải bằng lương tối thiểu vùng. Mức lương bậc sau phải lớn hơn bậc trước ít nhất là 5%.

1. Cách xây dựng thang lương bậc 1

Mức lương bậc 1 là mức áp dụng với những công việc đơn giản nhất trong doanh nghiệp và phụ thuộc vào điều kiện lao động

Lương bậc 1 của công việc hoặc chức danh đơn giản trong điều kiện lao động bình thường

Nếu người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, mức lương bậc 1 thấp nhất không được thấp hơn lương tối thiểu vùng tính theo thời điểm áp dụng. Tức là khi lương tối thiểu vùng tăng lên thì lương bậc 1 của doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh tăng theo.

     Doanh nghiệp cần căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để xây dựng thang, bảng lương bậc 1

Lương bậc 1 đối với lao động đã qua đào tạo, học nghề

Đối với các lao động có tay nghề hoặc đã được đào tạo, Chính phủ quy định mức lương phải cao hơn ít nhất. Trường hợp này áp dụng với cả những lao động do doanh nghiệp trực tiếp dạy nghề.

Lương bậc 1 đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nằm trong danh mục của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Y tế quy định thì mức lương phải cao hơn ít nhất 5% so với công việc tương tự trong điều kiện bình thường. Trường hợp công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại thì tỷ lệ cao hơn là 7%.

   Công việc đặc biệt nguy hiểm có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với công việc thông thường

2. Cách xây dựng thang lương từ bậc 2 trở đi

Để khuyến khích năng suất lao động giữa các cấp bậc, mức lương của bậc sau phải tối thiểu hơn 5% của bậc trước. Số bậc của thang lương có thể nhiều hoặc ít phụ thuộc vào tổ chức doanh nghiệp, mức độ phức tạp của công tác quản lý.

Trên đây là hướng dẫn xây dựng thang bảng lương 2020 mà bảo hiểm xã hội cập nhật cho bạn đọc, doanh nghiệp cần dựa vào các văn bản pháp luật hiện hành về mức lương tối thiểu vùng để có căn cứ xây dựng. Ngoài ra, để có mẫu thang bảng lương 2020 đúng quy chuẩn, doanh nghiệp nên xây dựng theo bậc lương để áp dụng phù hợp với từng cấp bậc, chức vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.